Giáo án Ngữ văn Lớp 10 - Tiết 1 đến 3

Giáo án Ngữ văn Lớp 10 - Tiết 1 đến 3

HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ

I − MỤC TIÊU BÀI HỌC

Giúp học sinh:

1. Về kiến thức: Nắm được những kiến thức cơ bản về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: khái niệm, hai quá trình trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân tố tham gia và chi phối hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.

2. Về kĩ năng: Biết cách phân tích một hoạt động giao tiếp thông qua các nhân tố giao tiếp; Nâng cao kĩ năng tạo lập và tiếp nhận diễn ngôn khi giao tiếp.

3. Về thái độ: Ý thức được rằng khi tham gia giao tiếp, phải có thái độ và hành vi phù hợp với các nhân tố giao tiếp.

4. Năng lực: Năng lực hợp tác, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.

II. CHUẨN BỊ CỦA GV − HS

1. Giáo viên: SGK, SGV, giáo án, bảng phụ ngữ liệu, sơ đồ tư tuy tóm tắt bài học.

2. Học sinh: SGK, vở ghi chép, soạn bài.

 

doc 10 trang yunqn234 4310
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn Lớp 10 - Tiết 1 đến 3", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tuần : 01	Ngày soạn :
Tiết :	01 + 02	Ngày duyệt :
Lớp dạy : 
ĐỌC VĂN:
TỔNG QUAN VĂN HỌC VIỆT NAM
I − MỤC TIÊU BÀI HỌC
Giúp học sinh :
1. Về kiến thức: Nắm được một cách chung nhất, khái quát nhất hai bộ phận của văn học Việt Nam : văn học dân gian và văn học viết; Nắm được một cách khái quát quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam; Hiểu được những nội dung thể hiện con người Việt Nam trong văn học.
2. Về kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng phát hiện hệ thống luận điểm, cách thức lập luận; Rèn luyện kĩ năng khái quát vấn đề.
3. Về thái độ: Bồi dưỡng niềm tự hào, trân trọng và say mê tìm hiểu văn học dân tộc.
4. Năng lực: Năng lực hợp tác, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.
II. CHUẨN BỊ CỦA GV − HS
1. Giáo viên: SGK, SGV, giáo án; Một số sơ đồ, bảng biểu phục vụ cho bài học.
2. Học sinh: SGK, soạn bài; Kết hợp làm việc cá nhân và làm việc nhóm.
III. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC
HOẠT ĐỘNG CỦA GV & HS
NỘI DUNG CẦN ĐẠT
Hoạt động 1: Khởi động (5 ph)
* Mục tiêu: Tạo tâm thế, dẫn dắt vào bài
+ B1: GV yêu cầu HS nêu cách hiểu về từ “Tổng quan”.
+ B2: HS nêu ý kiến.
+ B3: GV giới thiệu vị trí cũng như tầm quan trọng của bài học trong chương trình Ngữ văn THPT : Mở đầu chương trình Ngữ văn THPT là bài “Tổng quan văn học Việt Nam”. Bài học này sẽ cung cấp cho các em những kiến thức chung nhất, khái quát nhất về nền văn học Việt Nam, từ đó, các em sẽ có cơ sở để đi sâu vào tìm hiểu từng tác phẩm cụ thể trong chương trình. Nắm được nội dung của bài học ngày hôm nay có ý nghĩa cực kì quan trọng. Bởi chúng là chìa khóa giúp các em mở ra cánh cửa để bước vào tìm hiểu thế giới văn học của dân tộc một cách khoa học, có hệ thống.
Hoạt động 2: Hình thành kiến thức (80 phút)
* Mục tiêu: Nắm được một cách chung nhất, khái quát nhất hai bộ phận của văn học Việt Nam : văn học dân gian và văn học viết; Nắm được một cách khái quát quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam; Hiểu được những nội dung thể hiện con người Việt Nam trong văn học.
+ B1: Hướng dẫn HS tìm hiểu các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam
− Văn học VN gồm có mấy bộ phận lớn, đó là những bộ phận nào?
− Văn học dân gian là gì?
− Hãy kể tên các thể loại văn học dân gian mà em biết.
Sau khi HS trả lời, GV giúp HS hệ thống hoá các thể loại VHDG chủ yếu.
− VHDG có những đặc trưng tiêu biểu nào? 
− Văn học viết là gì?
− Văn học viết VN từ xưa đến nay đã sử dụng những thứ chữ nào để sáng tác?
− Hãy nêu các thể loại chủ yếu của văn học viết Việt Nam.
− Theo em, VHDG và VH viết có mối quan hệ với nhau như thế nào ?
I – CÁC BỘ PHẬN HỢP THÀNH CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM
Văn học VN gồm 2 bộ phận lớn : văn học dân gian, văn học viết.
1. Văn học dân gian
− Khái niệm : VHDG là sáng tác tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động, thể hiện tiếng nói tình cảm chung của nhân dân.
− Các thể loại chủ yếu : thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
− Đặc trưng tiêu biểu :
 + Tính truyền miệng.
 + Tính tập thể.
 + Sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.
2. Văn học viết
− Khái niệm : VH viết là sáng tác của trí thức, được ghi lại bằng chữ viết. Là sáng tạo của cá nhân nên tác phẩm VH viết mang dấu ấn của tác giả.
− Chữ viết : chủ yếu sử dụng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ (đầu thế kỉ XX có một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp).
− Thể loại :
 + Từ TK X đến hết TK XIX :
Trong VH chữ Hán : 
- Văn xuôi : truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi, 
- Thơ : thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc, 
- Văn biền ngẫu : phú, cáo, văn tế, 
Trong VH chữ Nôm :
- Thơ : thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói, 
- Văn biền ngẫu.
 + Từ đầu TK XX đến nay :
Loại hình tự sự : tiểu thuyết, truyện ngắn, kí (bút kí, tuỳ bút, phóng sự).
Loại hình trữ tình: thơ trữ tình, trường ca.
Loại hình kịch : kịch nói, kịch thơ, 
ð VHDG và VH viết có mối quan hệ mật thiết với nhau.
 GV thuyết trình thêm để HS thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa VHDG và VH viết : VHDG là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng văn học viết. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú.
 VD : Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều tục ngữ, ca dao. Chẳng hạn, nói về đạo làm con, ca dao có câu : “Thức khuya, dậy sớm chuyên cần / Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con” thì trong “Truyện Kiều”, để thể hiện nỗi nhớ cha mẹ của Thuý Kiều, Nguyễn Du viết : “Xót người tựa cửa hôm mai / Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ ?”. Hay nói về nỗi nhớ thương người xa vắng, ca dao có câu : “Ai đi muôn dặm non sông / Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy” thì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng miêu tả nỗi nhớ nhung sầu muộn của Kim Trọng như sau : “Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê !”
 Ngược lại, văn học viết cũng có tác động đến văn học dân gian trên nhiều phương diện. Chẳng hạn, tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao, như : “Vừa ra vừa gặp người xinh / Cũng bằng Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều” hay “Anh mà giở thói Thúc Sinh / Thì đừng có trách vợ mình Hoạn Thư”.
+B2 : Hướng dẫn HS tìm hiểu quá trình phát triển của VH viết VN.
− Nhìn một cách tổng quát, văn học viết VN phát triển qua mấy thời kì lớn ?
− VH trung đại sử dụng những thứ chữ nào để sáng tác ?
− VH chữ Hán ra đời và phát triển trong khoảng thời gian nào ?
− VH chữ Hán chịu ảnh hưởng từ những nguồn nào ?
− VH chữ Hán có đặc điểm gì về mặt thể loại và thi pháp ?
− Những thành tựu lớn của VH chữ Hán nằm ở mảng nào ? (văn xuôi, văn vần hay cả hai ?)
− Hãy nêu những nội dung lớn của VH chữ Hán.
− Nêu quá trình hình thành và phát triển của VH chữ Nôm.
− VH chữ Nôm ngoài chịu ảnh hưởng của VH Trung Quốc, còn chịu ảnh hưởng từ nguồn nào ?
− Về mặt thể loại, VH chữ Nôm có gì đáng chú ý ?
− Thành tựu chủ yếu của VH chữ Nôm nằm ở mảng nào ?
− VH chữ Nôm phản ánh những nội dung lớn nào ?
− Theo em, sự ra đời của chữ Nôm và văn học viết bằng chữ Nôm có ý nghĩa gì đối với nền văn hoá và văn học dân tộc ?
− VH hiện đại chủ yếu sử dụng thứ chữ nào để sáng tác ?
− VH hiện đại kế thưa tinh hoa từ những nguồn nào ?
− VH hiện đại có những điểm khác biệt nào so với VH trung đại ?
− Nêu những nội dung lớn của VH hiện đại ?
− Hãy kể tên một số thành tựu của VH hiện đại.
− Qua tìm hiểu quá trình phát triển của văn học viết VN, em có đánh giá như thế nào về nền học viết của dân tộc ?
+ B3 : Hướng dẫn HS tìm hiểu những nội dung thể hiện con người VN qua văn học.
− Trong văn học, con người VN được thể hiện trong những mối quan hệ nào?
− Trong văn học, mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên được thể hiện như thế nào ?
− Mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên đã đem đến nội dung quan trọng nào cho văn học ?
− Mối quan hệ giữa con người Việt Nam với quốc gia, dân tộc được thể hiện như thế nào trong từng thời kì văn học ?
− Từ đây, có thể thấy nội dung lớn nào của văn học Việt Nam ?
− Qua văn học, ta thấy người Việt Nam hướng tới một xã hội như thế nào ?
− Trong văn học, để vươn tới một xã hội công bằng, tốt đẹp, người Việt Nam đã làm gì ?
− Cảm hứng xã hội đã đem đến điều gì cho văn học ?
− Trong văn học, người Việt Nam đã xử lí mối quan hệ giữa ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng như thế nào ?
− Qua văn học, có thể thấy đạo lí làm người mà con người Việt Nam hướng tới là gì ?
+ B4 : Hướng dẫn HS tổng kết bài học
GV khái quát hoá lại toàn bộ những nội dung chính của bài học và yêu cầu HS đọc phần Ghi nhớ − SGK.
II – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIẾT VIỆT NAM
Nhìn tổng quát, văn học viết VN phát triển qua 3 thời kì lớn :
− Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.
− Từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945.
− Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX.
Thời kì đầu thuộc văn học trung đại, hai thời kì sau thuộc văn học hiện đại	
1. Văn học trung đại (VH từ TK X đến hết TK XIX)
− Viêt bằng chữ Hán và chữ Nôm.
− VH chữ Hán :
 + Ra đời từ thế kỉ thứ X và tồn tại cho đến cuối TK XIX – đầu TK XX.
 + Chịu ảnh hưởng những học thuyết lớn của phương Đông như Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão – Trang.
 + Tiếp thu hệ thống thể loại và thi pháp văn học cổ – trung đại Trung Quốc.
 + Đạt nhiều thành tựu nghệ thuật lớn ở cả văn xuôi và văn vần.
 + VH chữ Hán phản ánh những truyền thống cao đẹp của dân tộc VN như chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực.
− VH chữ Nôm :
 + Ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XIII, phát triển mạnh từ TK XV và đạt đến đỉnh cao vào cuối TK XVII – đầu TK XIX.
 + Chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian.
 + Tiếp thu sáng tạo thơ Đường luật Trung Quốc để có thơ Nôm Đường luật, đồng thời hình thành và phát triển các thể loại văn học dân tộc như truyện thơ, ngâm khúc, hát nói.
 + Thành tựu chủ yếu là thơ, rất hiếm thấy văn xuôi bằng chữ Nôm.
 + VH chữ Nôm gắn với những truyền thống lớn của VH trung đại như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, tính hiện thực.
− Ý nghĩa sự ra đời của chữ Nôm và VH viết bằng chữ Nôm :
 + Chứng tỏ ý chí xây dựng một nền văn học và văn hóa độc lập của dân tộc ta.
 + Nhờ có văn học chữ Nôm mà tác phẩm của các trí thức dễ dàng đến với nhân dân lao động.
 + Phản ánh quá trình dân tộc hóa và dân chủ hóa của VH trung đại.
2. Văn học hiện đại (văn học từ đầu TK XX đến hết TK XX)
− Viết bằng chữ quốc ngữ.
− Kế thừa tinh hoa của VH truyền thống và tiếp thu tinh hoa của những nền VH lớn trên thế giới.
− VH hiện đại có những điểm khác biệt so với VH trung đại :
 + Về tác giả : xuất hiện đội ngũ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp.
 + Về đời sống văn học : tác phẩm đi vào công chúng nhanh hơn, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn.
 + Về thể loại : thơ mới, tiểu thuyết, kịch nói, dần thay thế hệ thống thể loại cũ.
 + Về thi pháp : lối viết hiện thực, đề cao cá tính sáng tạo, đề cao “cái tôi” cá nhân được khẳng định.
− VH hiện đại phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc như :
 + Hiện thực xã hội trước năm 1945.
 + Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.
 + Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
 + Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ oanh liệt.
− Thành tựu : thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn xuôi hiện thực trước CM, thơ kháng chiến chống Pháp, thơ, tiểu thuyết, bút kí trong kháng chiến chống Mĩ và công cuộc đổi mới đất nước, 
ð Đánh giá về VH viết Việt Nam : Nền VH viết VN, trải qua 10 thế kỉ, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn :
− Kết tinh được những tác gia văn học lớn : Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, 
− Có nhiều tác phẩm giá trị, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới : Truyện Kiều, Nhật kí trong tù, thơ tình Xuân Diệu, 
III – CON NGƯỜI VIỆT NAM QUA VĂN HỌC
1. Con người Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên
− Trong VH dân gian : Thiên nhiên là đối tượng khám phá, chinh phục, cải tạo (thần thoại). Thiên nhiên hiện ra ở vẻ đẹp phong phú của các vùng trên quê hương, đất nước (ca dao).
− Trong VH trung đại : thiên nhiên gắn liền với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ.
− Trong VH hiện đại : thiên nhiên gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống và tình cảm lứa đôi. (VD : Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm / Có những ngày trốn học bị đòn roi / Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất / Có một phần xương thịt của em tôi – “Quê hương” – Giang Nam)
ð Tình yêu thiên nhiên là một nội dung quan trọng của VHVN.
2. Con người Việt Nam trong quan hệ quốc gia, dân tộc
− Trong VH dân gian : tình yêu làng xóm, quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn; và sự căm ghét các thế lực giày xéo quê hương.
− Trong VH trung đại : ý thức sâu sắc về quốc gia, dân tộc, về truyền thống văn hiến lâu đời. (VD : Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo)
− Trong VH hiện đại : gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giai cấp và lí tưởng xã hội chủ nghĩa. (VD : Làng – Kim Lân, Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi)
ð Chủ nghĩa yêu nước là một nội dung lớn, xuyên suốt quá trình phát triển của văn học VN.
3. Con người Việt Nam trong mối quan hệ xã hội
− Khao khát vươn tới một xã hội công bằng, tốt đẹp.
− Phê phán, tố cáo các thế lực chuyên quyền và cảm thông sâu sắc với những người bị áp bức.
− Đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, quyền sống.
ð Hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học.
4. Con người Việt Nam và ý thức về bản thân
− Tùy điều kiện lịch sử mà người VN xử lí mối quan hệ giữa ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng khác nhau :
 + Trong những hoàn cảnh đặc biệt : đề cao ý thức cộng đồng hơn ý thức cá nhân.
 + Trong những điều kiện bình thường : ý thức cá nhân được quan tâm hơn.
− Đạo lí làm người mà người VN hướng tới : nhân ái, thủy chung, tình nghĩa vị tha, hi sinh vì chính nghĩa, đề cao quyền sống của con người cá nhân nhưng không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân cực đoan (Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình − Tố Hữu).
IV – TỔNG KẾT
Ghi nhớ − SGK.
Hoạt động 3: Luyện tập & Vận dụng (5 ph)
* Mục tiêu: HS soi chiếu kiến thức lí thuyết và hiểu biết của bản thân để củng cố, khắc sâu kiến thức.
+ B1: GV chia lớp học thành 3 nhóm lớn, yêu cầu các nhóm thảo luận bài tập: Đọc lại mục III - Con người Việt Nam qua văn học (SGK, trang 10) và cho biết :
a) Một vài hình tượng thiên nhiên thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong ca dao, dân ca và thơ trung đại, thơ hiện đại;
b) Tên một vài tác phẩm thể hiện lòng yêu nước của con người Việt Nam;
c) Tên một vài tác phẩm có nội dung phê phán xã hội phong kiến, xã hội thuộc địa phong kiến; lên án giai cấp thống trị áp bức, bóc lột nhân dân;
d) Một vài câu ca dao, một (hoặc vài) bài thơ về tình yêu.
+ B2: GV gọi đại diện các nhóm trình bày ý kiến.
+ B3: Các nhóm nhận xét, góp ý.
+ B4: GV nhận xét và chốt ý.
LUYỆN TẬP & VẬN DỤNG
Gợi ý :
a) Có thể sưu tầm từ các tuyển tập ca dao, dân ca, các tuyển tập thơ trung đại, thơ hiện đại ; cũng có thể xem lại sách Ngữ văn các lóp dưới để làm bài tập này. Ví dụ :
- Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
 Non xanh, nước biếc, như tranh hoạ đồ. (Ca dao)
- Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn ?(Nguyễn Đình Thi)
b) Có thể dựa vào kiến thức đã học ở các lớp dưới để làm bài tập, ví dụ: Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi).
c) Có thể dẫn ra một số câu ca dao, một số truyện cười dân gian hoặc một số tác phẩm văn học viết trung đại, hiện đại. Ví dụ, ca dao xưa phê phán giai cấp thống trị áp bức, bóc lột nhân dân :
 Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
hoặc truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày (Ngữ văn 10, tập một, trang 80).
Văn học viết cũng có nhiều tác phẩm lên án xã hội phong kiến (Truyện Kiều của Nguyễn Du), xã hội thuộc địa phong kiến (Tắt đèn của Ngô Tất Tố).
d) Đề tài tình yêu xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca và thơ ca của văn học viết, đặc biệt trong thơ hiện đại. Ví dụ :
 Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu (Ca dao)
Hoặc các bài thơ: Tương tư (Nguyễn Bính), Sóng, Thuyền và biển (Xuân Quỳnh), là những sáng tác hay về đề tài tình yêu.
Hoạt động 4: Tìm tòi, mở rộng (1 ph)
* Mục tiêu: HS tự tìm tòi, mở rộng kiến thức liên quan đến bài học
GV yêu cầu HS về nhà sưu tầm thêm những dẫn chứng thể hiện con người VN trong văn học.
Dặn dò: Nhắc nhở HS học bài và chuẩn bị bài “Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ”.
Tôi có trọn bộ Giáo án Ngữ văn 10 theo mẫu trên. Giáo án soạn tỉ mỉ, công phu. Quý thầy cô có nhu cầu sử dụng file word đầy đủ, vui lòng liên hệ số điện thoại: 0936.949.588
Tuần : 01	Ngày soạn :
Tiết :	03	Ngày duyệt :
Lớp dạy : 
Tiếng Việt:
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ
I − MỤC TIÊU BÀI HỌC
Giúp học sinh:
1. Về kiến thức: Nắm được những kiến thức cơ bản về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: khái niệm, hai quá trình trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân tố tham gia và chi phối hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
2. Về kĩ năng: Biết cách phân tích một hoạt động giao tiếp thông qua các nhân tố giao tiếp; Nâng cao kĩ năng tạo lập và tiếp nhận diễn ngôn khi giao tiếp.
3. Về thái độ: Ý thức được rằng khi tham gia giao tiếp, phải có thái độ và hành vi phù hợp với các nhân tố giao tiếp.
4. Năng lực: Năng lực hợp tác, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.
II. CHUẨN BỊ CỦA GV − HS
1. Giáo viên: SGK, SGV, giáo án, bảng phụ ngữ liệu, sơ đồ tư tuy tóm tắt bài học.
2. Học sinh: SGK, vở ghi chép, soạn bài.
III. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC
HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS
NỘI DUNG CẦN ĐẠT
Hoạt động 1: Khởi động (5 phút)
* Mục tiêu: Tạo tâm thế, giới thiệu bài
+ B1: GV yêu cầu HS kể ra những nhu cầu thiết yếu của con người.
+ B2: HS nêu ý kiến.
+ B3: GV dẫn dắt: Ngoài các nhu cầu ăn, mặc, ngủ thì giao tiếp cũng là một nhu cầu thiết yếu của con người. Giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin giữa người này với người khác. Chúng ta sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để giao tiếp, đó có thể là điệu bộ, cử chỉ, hình vẽ, biển báo, Chẳng hạn, một cái cau mày thể hiện rằng ta đang khó chịu, một cái lắc đầu cho đối phương biết là ta không đồng ý; Hay là khi ra đường thấy biển báo hình tròn có gạch một gạch ngang ở giữa, ta biết đó là đường một chiều, hoặc nhìn màu sắc đèn xanh, đỏ hay vàng mà ta biết có được đi hay không, Nhưng lượng thông tin mà các phương tiện trên truyền tải được là rất ít. Con người có một loại phương tiện giao tiếp khác quan trọng và phổ biến hơn hết thảy. Đó là phương tiện nào, các em có biết không ? (HS trả lời). Đó chính là ngôn ngữ. Vậy, thế nào là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ? Đó chính là nội dung của bài học ngày hôm nay.
Hoạt động 2: Hình thành kiến thức (35 ph)
+ B1: Hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu theo hệ thống câu hỏi SGK.
* Ngữ liệu 1
− Gọi 3 HS đọc ngữ liệu (đọc phân vai : người dẫn chuyện, vua Trần, các bô lão), nhắc nhở HS phải đọc đúng giọng điệu của nhân vật.
− Hướng dẫn HS lần lượt trả lời các câu hỏi trong SGK :
a) Hoạt động giao tiếp được văn bản ghi lại diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp nào? Hai bên có quan hệ và cương vị với nhau như thế nào ?
b) − Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp lần lượt đổi vai (vai nói và vai nghe) cho nhau như thế nào?
− Người nói tiến hành những hành động cụ thể nào, còn người nghe thực hiện những hành động tương ứng nào?
c) Hoạt động giao tiếp diễn ra trong hoàn cảnh nào? (Ở đâu? Vào lúc nào? Khi đó nước ta có sự kiện lịch sử gì?)
d) Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung gì?
e) Mục đích của cuộc giao tiếp (hội nghị) này là gì? Cuộc giao tiếp có đạt được mục đích đó không?
A – THẾ NÀO LÀ HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP BẰNG NGÔN NGỮ
 I – PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU
 1. Ngữ liệu 1
a) Nhân vật giao tiếp
 − Các nhân vật giao tiếp :
 + Vua nhà Trần
 + Các bô lão
 − Cương vị và quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp :
 + Vua : là người đứng đầu triều đình, có quyền lực tối cao → bề trên
 + Các bô lão : là người đại diện cho nhân dân trăm họ → bề dưới
b) − Đổi vai giao tiếp :
 + Lượt 1 : Vua Trần nói – bô lão nghe.
 + Lượt 2 : Bô lão nói – vua Trần nghe.
 + Lượt 3 : Vua Trần nói – bô lão nghe.
 + Lượt 4 : Bô lão nói – vua Trần nghe.
→ Các nhân vật giao tiếp lần lượt đổi vai nói và vai nghe cho nhau.
− Hoạt động của các nhân vật giao tiếp:
 + Người nói : Sử dụng các từ ngữ và các quy tắc kết hợp các từ ngữ để tạo nên văn bản thể hiện điều mình muốn truyền đạt tới người nghe.
 + Người nghe : Tiếp nhận và giải mã văn bản để lĩnh hội được những thông tin mà người nói muốn truyền đạt.
c) Hoàn cảnh giao tiếp
− Địa điểm : điện Diên Hồng.
− Thời gian : Dưới thời nhà Trần, khi đất nước có giặc ngoại xâm (quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, năm 1285).
d) Nội dung giao tiếp
Vua Trần và các bô lão bàn bạc với nhau xem nên hoà hay nên đánh giặc Nguyên Mông.
e) Mục đích giao tiếp
Để thống nhất hành động (đánh hay hoà).
→ Mục đích đó đã đạt được.
* Ngữ liệu 2 :
a) Thông qua văn bản “Tổng quan văn học Việt Nam” hoạt động giao tiếp diễn ra giữa các nhân vật nào? (Ai viết ?Ai đọc? Đặc điểm của các nhân vật đó về lứa tuổi, vốn sống, trình độ hiểu biết, nghề nghiệp, )
b) Hoạt động giao tiếp đó được tiến hành trong hoàn cảnh nào?
c) Nội dung giao tiếp thuộc lĩnh vực gì? Về đề tài gì? Bao gồm những vấn đề cơ bản nào?
d) Hoạt động giao tiếp thông qua văn bản đó nhằm mục đích gì (xét từ phía người viết và người đọc)?
e) Phương tiện và cách tổ chức văn bản có gì đặc biệt ?
2. Ngữ liệu 2
a) − Nhân vật giao tiếp :
 + Người viết: tác giả sách giáo khoa.
 + Người đọc: học sinh lớp 10.
− Đặc điểm của nhân vật giao tiếp :
 + Người viết: có tuổi đời cao hơn, vốn sống và trình độ hiểu biết nhiều hơn, có nghề nghiệp là giảng dạy và nghiên cứu văn học.
 + Người đọc: có tuổi đời ít hơn, vốn sống và trình độ hiểu biết thấp hơn.
b) Hoàn cảnh giao tiếp
Hoạt động giao tiếp diễn ra trong nhà trường Việt Nam. Đó là hoàn cảnh giao tiếp quy thức, có tổ chức, có kế hoạch.
c) Nội dung giao tiếp
− Lĩnh vực : văn học sử.
− Đề tài : Tổng quan văn học Việt Nam.
− Những vấn đề cơ bản : 3 vấn đề :
+ Các bộ phận hợp thành của văn học VN.
+ Quá trình phát triển của văn học viết VN.
+ Con người VN qua văn học.
d) Mục đích giao tiếp
− Người viết: cung cấp những kiến thức tổng quát về văn học VN cho học sinh lớp 10.
− Người đọc : 
 + Tiếp nhận những kiến thức tổng quát về văn học VN.
 + Rèn luyện, nâng cao kĩ năng đọc – hiểu văn bản văn học sử.
 + Bồi dưỡng niềm tự hào về văn học và văn hoá dân tộc.
e) Phương tiện ngôn ngữ và cách tổ chức văn bản
− Phương tiện ngôn ngữ : dùng thuật ngữ văn học với phong cách khoa học
− Tổ chức văn bản : có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, mạch lạc (hệ thống đề mục và hệ thống luận điểm được sắp xếp theo thứ tự, mạch lạc, chặt chẽ).
+ B2: Hướng dẫn HS hệ thống hóa kiến thức
Qua những ngữ liệu vừa phân tích, hãy cho biết :
− Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là gì?
− Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ gồm có mấy quá trình? Đó là những quá trình nào? Do ai thực hiện? Các quá trình này có quan hệ với nhau như thế nào?
− Có những nhân tố nào tham gia và chi phối hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ?
II – HỆ THỐNG HOÁ KIẾN THỨC
1) Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
Là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (dạng nói và dạng viết), nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động,..
2) Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ gồm 2 quá trình
− Tạo lập văn bản: do người nói, người viết thực hiện.
− Lĩnh hội văn bản: do người nghe, người đọc thực hiện.
2 quá trình này có quan hệ tương tác với nhau.
3) Nhân tố giao tiếp
6 nhân tố tham gia và chi phối hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ :
− Nhân vật giao tiếp (người nói / viết và người nghe / đọc).
− Hoàn cảnh giao tiếp.
− Nội dung giao tiếp.
− Mục đích giao tiếp.
− Phương tiện giao tiếp.
− Cách thức giao tiếp.
+ B3: Tổng kết bài học
GV nhắc lại nội dung của bài học, yêu cầu HS đọc phần ghi nhớ − SGK
III – TỔNG KẾT
Ghi nhớ - SGK
Hoạt động 3: Luyện tập & Vận dụng (5 ph)
* Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức vừa học, chỉ ra và phân tích được các nhân tố tham gia và chi phối một cuộc giao tiếp cụ thể.
+ B1: GV chia lớp học thành 3 nhóm lớn, yêu cầu các nhóm thảo luận bài tập: Đọc câu ca dao sau và trả lời câu hỏi:
 Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
a) Đó là lời của ai nói với ai ?
b) Câu đó nói về vấn đề gì ?
c) Câu đó nhằm mục đích gì ?
d) Tác giả đã chọn cách nói như thế nào ?
+ B2: GV gọi đại diện các nhóm trình bày ý kiến.
+ B3: Các nhóm nhận xét, góp ý.
+ B4: GV nhận xét và chốt ý.
LUYỆN TẬP & VẬN DỤNG
Câu ca dao thể hiện :
a) Lời của tác giả dân gian nói với tất cả mọi người, trước hết là với những người làm nghề nông : từ ai có nghĩa phiếm chỉ.
b) Nội dung : đất đai là tài sản quý (như vàng) nên đừng bỏ ruộng hoang (không trồng trọt).
c) Mục đích : khuyên nhủ và kêu gọi mọi người chịu khó làm việc, đừng bỏ phí đất đai.
d) Cách nói: rất chân tình (khuyên nhủ, động viên). Chú ý: từ hô gọi ai, từ chớ, ý khẳng định qua cấu trúc bao nhiêu... bấy nhiêu.
Hoạt động 4: Tìm tòi mở rộng
* Mục tiêu: HS tự tìm tòi mở rộng hiểu biết liên quan đến bài học
GV yêu cầu HS về nhà tự sưu tầm thêm các ngữ liệu là các văn bản giao tiếp, phân tích các nhân tố giao tiếp trong cuộc giao tiếp đó.
Dặn dò: Học bài, làm bài tập, chuẩn bị bài “Khái quát văn học dân gian Việt Nam”.
Tôi có trọn bộ Giáo án Ngữ văn 10 theo mẫu trên. Giáo án soạn tỉ mỉ, công phu. Quý thầy cô có nhu cầu sử dụng file word đầy đủ, vui lòng liên hệ số điện thoại: 0936.949.588

Tài liệu đính kèm:

  • docgiao_an_ngu_van_lop_10_tiet_1_den_3.doc