Phân tích nhân vật Trương Phi trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa"

Phân tích nhân vật Trương Phi trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa"

Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng sáng lạng. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Trôi theo dòng lịch sử ấy, 5000 năm văn minh, văn hóa Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Nơi đó, có một tác phẩm làm mưa làm gió, dù có bị bao con sóng dập vùi của lịch sử, thì nó cũng đã ngấm sâu vào lòng người, được người đời miêu tả rằng “mênh mông như biển cả”, không thứ gì khác, bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa – La Quán Trung - đã mang một dấu ấn cho hậu thế:

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông

Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng

Thị phi thành bại theo dòng nước

Sừng sững cơ đồ bỗng tay không

Non xanh nguyên vẻ cũ

Bao độ ánh chiều hồng.”

(Lâm Giang Tiên – Dương Thận)

Sức ảnh hưởng của Tam Quốc Diễn Nghĩa từ lâu đã vượt qua khỏi khuôn khổ của những thước phim, trang truyện, tự thân lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chẳng cần một bài học chính quy nào. Trong đó, đáng nhớ nhất là đoạn Hồi trống Cổ thành đã vô cùng thành công trong việc xây dưng những nét tính cách đặc trưng của các nhân vật; kể về sự hiểu lầm của hai người Quan Công và Trương Phi, mà ở đây nhân vật Trương Phi hiện lên nổi bật với vai trò người anh hùng chính trực, ngay thẳng, tuy nhiên cũng khá nỏng nảy trong việc giải quyết mâu thuẫn cùng tấm lòng trung thành không gì có thể thay đổi.

 

docx 6 trang yunqn234 13740
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích nhân vật Trương Phi trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa"", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRƯƠNG PHI
	Bài làm
Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng sáng lạng. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Trôi theo dòng lịch sử ấy, 5000 năm văn minh, văn hóa Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Nơi đó, có một tác phẩm làm mưa làm gió, dù có bị bao con sóng dập vùi của lịch sử, thì nó cũng đã ngấm sâu vào lòng người, được người đời miêu tả rằng “mênh mông như biển cả”, không thứ gì khác, bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa – La Quán Trung - đã mang một dấu ấn cho hậu thế:
“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh chiều hồng.”
(Lâm Giang Tiên – Dương Thận)
Sức ảnh hưởng của Tam Quốc Diễn Nghĩa từ lâu đã vượt qua khỏi khuôn khổ của những thước phim, trang truyện, tự thân lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chẳng cần một bài học chính quy nào. Trong đó, đáng nhớ nhất là đoạn Hồi trống Cổ thành đã vô cùng thành công trong việc xây dưng những nét tính cách đặc trưng của các nhân vật; kể về sự hiểu lầm của hai người Quan Công và Trương Phi, mà ở đây nhân vật Trương Phi hiện lên nổi bật với vai trò người anh hùng chính trực, ngay thẳng, tuy nhiên cũng khá nỏng nảy trong việc giải quyết mâu thuẫn cùng tấm lòng trung thành không gì có thể thay đổi.
	Về tác giả La Quán Trung, ông sinh năm 1330 và mất vào những năm 1400, tên La Bản, quê ở vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Lớn lên vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh, ông là người có tính tình cô độc, sống lẻ loi, thích ngao du một mình đây đó nên có am hiểu sâu sắc về tình hình chính trị đương thời. Và cũng là người có những đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh -Thanh ở Trung Quốc. Qua việc kể lại những câu chuyện về cuộc chiến tranh cát cứ giữa ba tập đoàn phong kiến Nguỵ, Thục, Ngô, bằng nhãn quan chính trị của mình, La Quán Trung đã bày tỏ khát vọng về một xã hội công bằng, ổn định với vua hiền tướng giỏi, nhân dân ấm no. Mặc dù, lấy đề tài từ những câu chuyện lịch sử đã lùi sâu vào quá khứ nhưng tác giả đã khắc hoạ một thế giới nhân vật sinh động trong những mối quan hệ rất chặt chẽ, với đủ những nét tính cách khác nhau. Không một nhân vật nào trùng lặp nhân vật nào trong thế giới hàng nghìn nhân vật ấy. 
	Đoạn trích Hồi trống Cổ thành được trích từ hồi thứ 28 của bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. "Hồi trống Cổ Thành" thuật lại việc lại Quan Công đi tìm minh chủ Lưu Bị, qua năm cửa ải, chém sáu tướng Tào, về đến Cổ Thành bị Trương Phi nghi ngờ bội nghĩa, quyết sống mái với người anh em. Đoạn trích rất ngắn so với sự đồ sộ của tác phẩm nhưng cũng đã thể hiện được một đặc trưng bút pháp nghệ thuật của La Quán Trung cũng như đặc điểm chung của tiểu thuyết cổ điển Minh – Thanh. 
Trương Phi tự Trương Dực Đức, là Tam Đệ kết nghĩa của Đại Ca Lưu Bị, Nhị Đệ Quan Vân Trường. Tính tình cương trực, khẳng khái, nóng tính do đó có hiểu lầm trong trích đoạn "Hồi Trống Cổ thành", vì thế mà dân gian cũng đã có câu “Nóng như Trương Phi, đa nghi như tào tháo”, thế mới thấy hình ảnh của một Trương Phi dung mãnh nhưng nóng nảy đã in đậm trong tiềm thức của mọi người. Song, ông cũng là người võ tướng tài giỏi dưới trướng của Lưu Bị, khắc họa chân dung nhân vật này, tác giả La Quán Trung đã viết: “ tiếng vang như sấm, nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi”. Nổi tiếng với tính cách bộc trực, thà chết chứ không chịu khuất phục, luồn cúi dưới trướng của kẻ thù, có thể nói Trương Phi là nhân vật đại diện cho chữ “trung”.
	Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành được trích ở hồi 28 "Chém Sái Dương anh em hòa giải".“Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên". Quan Công đưa hai chị dâu sang Nhữ Nam, kéo quân đến Cổ Thành gặp được Trương Phi. Nào ngờ, việc Quan Công hàng Tào Tháo bị Trương Phi hiểu lầm là bội nghĩa, đòi giết Quan Công. Để xua tan mối nghi ngờ, Quan Công đã nhận ngay điều kiện Trương Phi đưa ra : Phải lấy đầu Sái Dương (viên tướng của Tào Tháo) trong ba hồi trống. Chưa đứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn dưới đất. Bấy giờ, Phi mới hiểu được lòng dạ trung thực của Quan Công, rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Quan Công.
	 “Nóng như Trương Phi, đa nghi như tào tháo”, đấy là nét đặc trưng của dân gian bao đời khi nói về một Trương Phi dũng mãnh nhưng nóng nảy đã in đậm trong tiềm thức của mọi người, và sự nóng nảy ấy ngoài mang nét cá tính riêng đặc trưng cho nhân vật còn gắn liền với nhiều nét nghĩa khác. Là người trung thành, đề cao chữ “trung” nên Trương Phi không thể chấp nhận được hành động phản bội, Trương Phi điển hình cho người anh hùng thời loạn đề cao trung nghĩa với lí tưởng “Trung thần thà chết chứ không chịu nhục”- đấy là tính cách của một đấng trượng phu. Sự bộc trực, trung thành tuyệt đối của Trương Phi với Lưu Bị thể hiện ngay trong hành động đối đầu với Quan Công. Trong nhận thức của Trương Phi thì Quan Công đã phản bội lại tình nghĩa huynh đệ để đi theo Tào Tháo. Do đó khi thấy Quan Công đến Cổ Thành thì Trương Phi đã quyết tâm chiến đấu đến cùng “Phen này tao quyết liều sống chết với mày”. Vì sự trung nghĩa, Trương Phi đã tạm gác tình cảm cá nhân mà mạnh mẽ đối đầu với Quan Công như với kẻ thù vì lợi mà phản bội anh em. Đấy cũng chính là một hành động vô cùng quyết liệt của một võ tướng. Tính cách Trương Phi nóng nảy cương trực nhưng ngay thẳng đường hoàng yêu ghét rõ rệt. Đó là tính cách của một võ tướng, một đấng trượng phu được cụ thể hóa trong một cá tính hồn nhiên, bộc trực. Tính cách đó còn thể hiện Trương Phi là một người trọng nghĩa, giàu tình nghĩa 
	Tính cách của Trương Phi được thể hiện rõ nét trong một chuỗi hành động, xuyên suốt và nhất quán từ đầu đến cuối đoạn trích. Khi được Tôn Càn báo cho biết Quan Công đưa hai phu nhân đến, Trương Phi "chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc". Người như Trương Phi không bao giờ chấp nhận và cũng khó có thể hiểu được những uẩn khúc trong việc Quan Công về ở với Tào Tháo. Nhìn thấy Quan Công, "Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Mâu thuẫn giữa hai anh em bắt đầu được mở ra.
	Và thế là tính nóng nảy và sự tức giận của Trương Phi được thể hiện rất rõ qua hành động, nét mặt, lời nói. Phản ứng của Trương Phi thể hiện tính trung thực, yêu ghét rõ ràng. Vì cho rằng Quan Công là kẻ phản bội lời thề, là kẻ bất trung và cùng với tấm lòng cương trực, thủy chung và tính cách nóng nảy, bộc trực, đơn giản của Trương Phi, chàng lao đến. “Trương Phi múa xà mâu, chạy lại đâm Quan Công, Quan Công giật mình vội né tránh”. Trương Phi quát Quan Công là kẻ phụ nghĩa. Quan Công nhờ hai chị dâu và Tôn Càn thanh minh nhưng Trương Phi không tin, một mực cho rằng Quan Công đến bắt mình, nhất là khi nhìn thấy một đám quân Tào đang kéo đến. Có lẽ bấy giờ những lời thanh minh cho Quan Công như dầu đổ lửa. Cơn giận đang ngùn ngụt lại trông thấy quân mã kéo tới. Cơn giận của Trương Phi được đẩy lên đỉnh điểm "múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công". Nhân vật của tiểu thuyết cổ điển tuy có tính cách rất rõ nét nhưng vẫn mang tính ước lệ của văn học trung đại. Tình nghĩa anh em thuở hàn vi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu ai đó bị nghi ngờ là phản bội.
	Mọi thứ bắt đầu lên đến đỉnh điểm khi Sái Dương xuất hiện cùng đoàn binh mã. Khi Quan Công yêu cầu được chứng thực lòng trung của mình, thì Trương Phi chấp nhận nhưng đưa ra yêu cầu phải chém đầu tướng Tào trong ba hồi trống thì mới tin. Điều kiện thời gian là ba hồi trống bởi, nếu là năm hồi thì quá dài, không phù hợp với tính cách nóng nảy, bộc trực của Trương Phi, nhân vật này không thể đủ kiên nhẫn chờ đợi hết năm hồi trống, thêm vào đó mốc thời gian này nếu đưa ra còn làm hạ thấp đi tài nghệ của Quan Công. Còn nếu như chỉ là một hồi trống thì đây lại là một thử thách quá nghiệt ngã, thực chất trong lòng Trương Phi vẫn rất hy vọng rằng anh mình không phải là kẻ bất trung bất nghĩa, ba hồi trống ấy chính là quảng thời gian vừa đủ để Quan Công chứng thực được tấm lòng của mình. Như vậy việc đưa ra ba hồi trống không chỉ là thử thách mà còn gửi gắm cả niềm tin niềm hy vọng của Trương Phi với người anh kết nghĩa của mình.
Trương Phi thẳng cánh đánh trống, Quan Công múa long đao xô lại, chưa dứt một hồi, đầu Sái Dương đã lăn xuống đất. Việc Trương Phi buộc Quan Công phải chém đầu Sái Dương trong ba hồi trống thể hiện một thái độ dứt khoát và cương quyết, đây cũng là chi tiết đậm màu sắc Tam quốc nhất. Trương Phi biết rõ tài năng của Quan Công, một viên tướng giỏi và trở về doanh trại mà chén rượu vẫn còn nóng. Việc Quan Công chém được Sái Dương không phải là việc khó nhưng lại rất có ý nghĩa bởi đó là cách duy nhất để Quan Công minh oan. Sự minh oan cũng không mấy khó khăn nhưng nó thể hiện thái độ dứt khoát và trắng đen rõ ràng của Trương Phi. Tác giả đã tạo nên một tình huống rất đặc sắc để ngợi ca tình cảm anh em gắn bó nghĩa tình cùng tính tình “thẳng như ruột ngựa” và sự khoan dung của Quan Vũ.
Nếu ở đầu đoạn trích thì tính bộc trực cùng sự nóng nảy, thiếu kiên nhẫn của Trương Phi được tác giả dựng nên thì sau đó cuộc hội ngộ hòa giải của Quan Công và Trương Phi diễn ra vô cùng xúc động . Sau khi Quan Vân Trường chém được đầu Sái Dương, nhưng Trương Phi vẫn chưa tin hẳn, chỉ đến khi Quan Công bắt một tên lính cầm cờ hiệu của Tào Tháo hỏi chuyện đầu đuôi thì nghe tên lính " kể hết nông nỗi từ đầu đến cuối". Lại đến sau khi nghe tiếp hai chị dâu kể lại việc Quan Công đã trải qua thì lúc này Trương Phi mới thực sự hiểu được những khó khăn vất vả, đau khổ mà Quan Vân Trường đã phải chịu đựng. Thấy rõ tấm lòng trung nghĩa của Quan Công, biết được những việc gian nan mà Quan Công vừa trải qua, Trương Phi đã "rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường". Giọt nước mắt ấy vừa sự đau lòng cho những vất vả, khó nhọc mà Quan Công đã phải chịu, bên cạnh đó đó còn là giọt nước mắt hối hận về những hành động hồ đồ ban đầu của bản thân. Và cái thụp lạy cũng như là lời xin lỗi ân hận và cái nhìn cảm phục trước sự ẫn nhẫn của Vân Trường. Đấy cũng là thái độ phục thiện đúng lúc của Trương Phi cho thấy Trương Phi là người có tính cách cương trực, thủy chung, tín nghĩa, đơn giản, nóng nảy và cũng biết phục thiện, dám nhận sai lầm, thiếu sót.
Với nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, nhân vật Trương Phi được gày vọt tạo nên hai hình ảnh trái ngược nhau: một Trương Phi nóng nảy, cương trực, đàng hoàng luôn đòi chém đầu Vân Trường để trả thù kẻ phản bội; ngược lại đó là hình ảnh, một Trương Phi hồn hậu, giàu tình cảm khi nhận ra sự thật, nước mắt chảy ra khi nhận lại nghĩa huynh. Hai mặt tính cách ấy khiến cho câu chuyện trở nên sinh động hấp dẫn và góp phần tạo kịch tính. Không thể không kế đến bút phát khắc họa nhân vật rõ nét của La Quán Trung, đó là phương pháp miêu tả với các nét tính cách đều được đẩy lên đến mức tuyệt đối thậm chí là cực đoan Trương Phi nóng nảy hết mức, nhưng cũng rất giàu tình cảm. Và nội dung đặc sắc của quyển chương hồi, đã gián tiếp tôn lên vẻ đẹp của nhân vật trong Hồi trống Cổ thành trở nên xúc động hơn vì nó chứa biết bao tình cảm, biết bao hờn giận vì hiểu lầm, xót xa vì thất tán, cùng tình nghĩa thủy chung thắm thiết.
Qua Hồi trống Cổ thành, ta có thể thấy mỗi nhân vật có những nét tính cách đặc trưng và nét tính ấy được thể hiện xuyên suốt chi phối hành động suy nghĩ. Tính cách của Trương Phi không thể hiện qua những mâu thuẫn nội tâm giằng xé hay những lời tâm tình giãi bày mà chủ yếu được thể hiện qua hành động. Là một nhân vật góp phần tạo kịch tính cho câu truyện và cũng là nút thắt quan trọng trong quá trình phát triển cốt truyện. Nhờ có Trương Phi mà tính cách của các nhân vật như Vân Trường đã được làm rõ thêm. Thể hiện một vẻ đẹp sáng ngời về lòng nhân nghĩa, sự trung thực và chân thành của tình anh em, tôi chúa.
Một lần nữa, Hồi trống Cổ thành đã khẳng định được vẻ đẹp tiêu biểu của nhân vật- với những chi tiết đặc sắc đoạn trích đã cho thấy tính cách bộc trực, thẳng thắn của Trương Phi. Đồng thời qua đoạn trích còn ca ngợi tình nghĩa cao đẹp, sâu nặng – một biểu hiện riêng biệt của lòng trung nghĩa. Tiểu thuyết đã để lại rất nhiều câu chuyện giáo dục nghĩa tình và lối sống của người dân phương Đông. Điều đó góp phần tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ và giá trị lâu dài của tác phẩm bất hủ này.
P/s: Hãy tha thứ những lỗi nhỏ nhặt của đứa trẻ tội nghiệp này cô nhé! ^-^ Chúc cô chấm bài zuizeee =)))))

Tài liệu đính kèm:

  • docxphan_tich_nhan_vat_truong_phi_trong_tam_quoc_dien_nghia.docx