Bài thuyết trình Lịch sử Lớp 10 - Bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV
I.Tư tưởng, tôn giáo.
Nét đặc sắc về tư tưởng, tôn giáo ở thế kỉ X-XV là hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” hay “tam giáo đồng quy” – ba tôn giáo lớn Nho giáo- Phật giáo-Đạo giáo cùng được thờ trong một không gian chung. Từ thời Bắc thuộc, hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo và các tôn giáo lớn như Phật giáo, Đạo giáo đã được truyền bá vào nước ta, từng bước hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân. Đất nước độc lập, tự chủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tôn giáo.
*Nho giáo: Trên bước đường xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo được giai cấp thống trị tiếp nhận và từng bước nâng cao. Nho giáo dần dần trở thành hệ tư tưởng chính của giai cấp phong kiến thống trị, được đặt thành những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ vua- tôi, cha- con, chồng- vợ và là tư tưởng chi phối nội dung giáo dục, thi cử. Tuy nhiên, ở các thế kỉ X-XIV, trong nhân dân, ảnh hưởng của Nho giáo còn ít. Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do đức Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở các nước Châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam.
LỜI THUYẾT MINH Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, giai đoạn thế kỉ X đến thế kỉ XV là thời kì xây dựng và phát triển nhà nước độc lập, thống nhất. Trải qua 5 thế kỉ vươn lên trong xây dựng đất nước, cùng với công cuộc xây dựng nhà nước phong kiến, phát triển kinh tế và chiến đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, nhân dân Việt Nam không ngừng vươn lên sáng tạo và phát triển nền văn hóa dân tộc, để rồi, trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ tạo nên được một nền văn hóa với hàng loạt thành tựu đặc sắc, quý giá về tất cả các mặt: giáo dục, văn học, tôn giáo, nghệ thuật và khoa học kĩ thuật. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những thành tựu đó qua Tiết 26. Bài 20. Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV. I.Tư tưởng, tôn giáo. Nét đặc sắc về tư tưởng, tôn giáo ở thế kỉ X-XV là hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” hay “tam giáo đồng quy” – ba tôn giáo lớn Nho giáo- Phật giáo-Đạo giáo cùng được thờ trong một không gian chung. Từ thời Bắc thuộc, hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo và các tôn giáo lớn như Phật giáo, Đạo giáo đã được truyền bá vào nước ta, từng bước hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân. Đất nước độc lập, tự chủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tôn giáo. *Nho giáo: Trên bước đường xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo được giai cấp thống trị tiếp nhận và từng bước nâng cao. Nho giáo dần dần trở thành hệ tư tưởng chính của giai cấp phong kiến thống trị, được đặt thành những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ vua- tôi, cha- con, chồng- vợ và là tư tưởng chi phối nội dung giáo dục, thi cử. Tuy nhiên, ở các thế kỉ X-XIV, trong nhân dân, ảnh hưởng của Nho giáo còn ít. Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do đức Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở các nước Châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. *Phật giáo: vốn đã được truyền bá khá sâu rộng, ngày càng thấm sâu hơn vào cuộc sống tinh thần của nhân dân, được giai cấp thống trị tôn sùng. Ở các thế kỉ X – XIV, đạo Phật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và rất phổ biến. Các nhà sư được triều đình tôn trọng, có lúc đã tham gia bàn việc nước. Nhiều nhà sư thức thời như: Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh đã tham gia tích cực vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Vua, quan nhiều người theo đạo Phật, góp tiền xây dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, viết giáo lí nhà Phật. Sử cũ viết: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm năm, tôn miếu chưa dựng, xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng” (Đại Việt sử kí toàn thư). Chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi, nhiều người theo đạo Phật đến nỗi một vị quan thời Trần đã nhận xét: “Thiên hạ 5 phần thì sư tăng chiếm 1” hoặc “chỗ nào có người ở đều có chùa thờ Phật”. Một số vị vua thời Lý, Trần đã tìm đến Phật giáo. Vua Trần Nhân Tông khi lên làm Thái thượng hoàng đã xuất gia đầu Phật và lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Đại Việt. *Đạo giáo: là một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, được xem là tôn giáo đặc hữu chính thống của xứ này. Nguồn gốc lịch sử được xác nhận của Đạo giáo được xem nằm ở thế kỉ thứ IV TCN, khi tác phẩm “Đạo Đức kinh” của Lão Tử xuất hiện. Các tên gọi khác là Lão giáo, Đạo lão, Đạo Hoàng Lão hay Đạo gia. Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả 3 giáo lí này đã hòa hợp thành một truyền thống. Ảnh hưởng Tam giáo trong lĩnh vực tôn giáo và văn hóa vượt khỏi biên giới Trung Quốc, được truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở nước ta, Đạo giáo tuy không phổ cập nhưng hòa lẫn với các tín ngưỡng dân gian, một số đạo quán được xây dựng. Từ thế kỉ XV, thời Lê sơ, Nho giáo được chính thức nâng lên địa vị độc tôn và vị trí đó được duy trì cho đến cuối thế kỉ XIX. Phật giáo và Đạo giáo suy dần. Số người theo đạo Phật, Đạo giáo giảm bớt. Nhà nước phong kiến ban hành nhiều điều lệnh nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo, thiết lập tôn ti trật tự xã hội của Nho giáo trong nhân dân. Sự phát triển của giáo dục Nho học cũng góp phần củng cố vị trí của Nho giáo. II. Giáo dục, văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật. 1.Giáo dục. Nhu cầu xây dựng nhà nước và nâng cao dân trí đã thúc đẩy các nhà nước đương thời quan tâm nhiều đến giáo dục. Chữ Hán trở thành chữ viết chính thức. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế, Hoàng Thái tử đến học ở đây. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng nhà Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu. Sau khi xây dựng, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi là Quốc Tử). Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của cả nước. Ngày nay, Văn Miếu –Quốc Tử Giám vẫn luôn là điểm đến không thể thiếu trong những chuyến du lịch về Thủ đô của du khách trong và ngoài nước, là nơi tổ chức các sự kiện vinh danh những người có thành tích cao trong hoạt động giáo dục, như một sự nhắc nhở về truyền thống giáo dục từ ngàn xưa của dân tộc. Năm 1075, nhà Lý tổ chức thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, tổ chức khoa thi quốc gia đầu tiên ở kinh thành. Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV, giáo dục Đại Việt từng bước được hoàn thiện và phát triển, trở thành nguồn đào tạo quan chức và người tài cho đất nước. Nội dung học tập được quy định chặt chẽ. Thời Trần, các khoa thi được tổ chức đều đặn hơn. Năm 1247, nhà Trần đặt lệ lấy “Tam khôi” (3 người đỗ đầu), quy định rõ nội dung học tập, mở rộng Quốc Tử Giám cho con em quý tộc và quan chức đến học. Thời Lê sơ, quy chế thi cử được ban hành rõ ràng: cứ 3 năm có một kì thi Hội chọn Tiến sĩ. Riêng thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã tổ chức 12 khoa thi Hội. Số người đi học ngày càng đông, dân trí do đó được nâng cao. Năm 1484, nhà nước quyết định dựng bia, ghi tên Tiến sĩ. Việc làm này có tác dụng đề cao những người tài giỏi, khích lệ việc học hành của các thế hệ sau. Sự phát triển của giáo dục đã tạo nên nhiều trí thức tài giỏi cho đất nước như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh Vị trí của Nho giáo, do đó, cũng được nâng dần lên thế độc tôn. Tuy nhiên, nội dung giáo dục Nho học chủ yếu là kinh, sử, chủ yếu phục vụ các yêu cầu chính trị, xã hội, không chú trọng nội dung khoa học tự nhiên nên giáo dục Nho học đã không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế. 2. Văn học Sự phát triển giáo dục góp phần phát triển văn học. Ban đầu, văn học mang nặng tư tưởng Phật giáo. Từ thời Trần, văn học dân tộc ngày càng phát triển, nhất là văn học chữ Hán. Xuất hiện hàng loạt bài hịch, bài phú nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo ; các tập thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Sư Mạnh , Văn thơ phát triển đến mức, cuối thế kỉ XIV, Trần Nguyên Đán đã tự hào thốt lên: Tướng võ, quan hầu đều biết chữ, Thợ thuyền, thư lại cũng hay thơ. Ở các thế kỉ XI-XII, chữ Nôm được ra đời trên cơ sở học tập chữ Hán. Xuất hiện một số nhà thơ Nôm ở thời Trần, Hồ, tiếc rằng ngày nay thơ của họ không còn được lưu lại. Đến thế kỉ XV, văn học chữ Hán và chữ Nôm đều phát triển. Hàng loạt tập thơ văn ra đời như Ức trai thi tập của Nguyễn Trãi, Quỳnh uyển cửu ca, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, nhiều tập thơ của Lí Tử Tấn, Đặng Minh Khiêm Trong đó, Nguyễn Trãi đã được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Nội dung văn học thời kì này: thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ca ngợi những chiến công oai hùng và cảnh đẹp của quê hương đất nước. 3. Nghệ thuật Nghệ thuật ở các thế kỉ X-XV có những bước phát triển mới. Nghệ thuật kiến trúc phát triển mạnh. Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý, Trần và sự phát triển của Phật giáo đã đẩy nhanh sự phát triển của nghệ thuật. Những công trình nghệ thuật Phật giáo được xây dựng ở khắp nơi như: chùa Một Cột, chùa Dâu, chùa Phật Tích, tháp Báo Thiên, tháp Phổ Minh Chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Châu Á, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc dến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài gồm đài hoa sen hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 mét, mái cong, dựng trên cột đá cao 4 mét, đường kính 1,2 mét. Truyền thuyết kể rằng: Liên Hoa Đài được xây dựng vào năm 1049 dựa theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Vua nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại câu chuyện cho các quan nghe. Có vị thiền sư mẫn tuệ đã khuyên vua cho dựng cột đá giữa hồ, làm đài sen của Phật Quan Âm như trong giấc mộng. Các nhà sư làm lễ, đi vòng quanh tòa niệm phật cầu phúc cho vua được trường thọ nên công trình mới có tên như vậy. Năm tháng và chiến tranh đi qua, chùa Một Cột đã nhiều lần được tu sửa và làm lại. Kiến trúc chùa Một Cột thời Lý đã trở thành “vang bóng một thời”. Năm 1249, vua Trần cho dựng lại chùa Một Cột. Năm 1954, Thủ đô Hà Nội vừa giải phóng, vừa tiếp quản Thủ đô, Hồ Chủ Tịch đã cho xây dựng lại với quy mô kiểu dáng chùa Một Cột cho đến ngày nay. Trải qua hàng ngàn năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, chùa Một Cột vẫn giữ được cái hồn của Thăng Long xưa. Một ngôi chùa rất nhỏ bé, mong manh nhưng giá trị văn hóa và lịch sử vô cùng to lớn, trường tồn cùng dân tộc, là hình ảnh biểu trưng của Thủ đô, vững vàng trong dòng thời gian bất tận. Nói đến những thành tựu nghệ thuật kiến trúc thời kỳ này không thể không nhắc đến An Nam tứ đại khí. Đó là 4 kỳ quan, 4 vật quốc bảo và là 4 công trình nghệ thuật bằng đồng nổi tiếng của văn hóa thời Lý Trần, bao gồm: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm( Đông Triều – Quảng Ninh), tháp Báo Thiên ở Thăng Long- Hà Nội, chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu- Hà Nội, Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh - Thiên Trường- Nam Định Mặc dù đều là những vật quốc bảo song khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta ở thế kỷ XV, tứ đại khí đều bị cướp hoặc phá hủy để lấy đồng đúc vũ khí và nhằm làm mất đi một phần “nguyên khí” của người Việt. Vào cuối thế kỷ XIV, một khu thành lớn được xây dựng ở Vĩnh Lộc – Thanh Hóa sau này thường được gọi là thành nhà Hồ, trở thành một điển hình của nghệ thuật xây thành ở nước ta, đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật kiến trúc. Thành do Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 bằng những khối đá xanh rất lớn và kiên cố. Ngày 27-6-2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ở phía Nam, nhiều đền tháp Chăm được xây dựng thêm mang phong cách nghệ thuật đặc sắc. Tháng 12-1999 khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nghệ thuật điêu khắc với những tác phẩm chạm khắc, trang trí ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo song vẫn mang nét độc đáo riêng. Đó là những tác phẩm tinh tế độc đáo với nhiều hình loại khác nhau như chân bệ cột hình hoa sen, hành lang rồng, những bức phù điêu khắc hình rồng nổi cuộn trong lá đề, bông cúc nhiều cánh, hình các vũ nữ vừa múa vừa đánh đàn. Hàng loạt tượng Phật được tạc, đúc. Nghệ thuật sân khấu như chèo và tuồng ra đời từ sớm và ngày càng phát triển. Múa rối nước là một nghệ thuật đặc sắc phát triển từ thời Lý ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Văn bia Sùng Thiện diên linh ở Hà Nam khắc năm 1121 viết: “Hàng nghìn chiếc thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp làm nước rung rinh, rùa vàng nổi lên đội 3 quả núi lộ vân trên vỏ và xòe 4 chân nhe răng, trợn mắt Các thần tiên xuất hiện, nét mặt nhuần nhị thanh tâm há phải đâu vẻ đẹp của người trần thế, tay nhỏ nhắn mềm mại múa điệu hồi phong ” Âm nhạc phát triển với nhiều nhạc cụ như tiêu, sáo, đàn cầm, đàn tranh, trống cơm, các nghệ nhân sáng tác nhiều bản nhạc để tấu hát trong các buổi lễ hội. 4. Khoa học kĩ thuật Cùng với sự phát triển của giáo dục và ý thức dân tộc, nhiều ngành khoa học kỹ thuật cũng đạt được những thành tựu có giá trị. Về Sử học: Thời Trần, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu - bộ sử chính thống của nhà nước được biên soạn. Ở các thế kỷ sau, nhiều bộ sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục được soạn thảo. Đại Việt sử ký toàn thư được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung 2 bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Về địa lý: có Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ. Dư địa chí là một cuốn sách viết bằng chữ Hán, ghi chép sơ lược về hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, đây chính là tác phẩm địa lý học lịch sử đầu tiên của Việt Nam. Về quân sự: có các bộ: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Về Toán học: có Lập thành toán pháp của Vũ Hữu, Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh. Về kĩ thuật: Nhu cầu quốc phòng đã tạo điều kiện cho các quan xưởng, dưới sự chỉ đạo của Hồ Nguyên Trừng, chế tạo được súng thần cơ và đóng loại thuyền chiến lớn có lầu đi biển. Nhận xét: Nhìn chung văn hóa Đại Việt thế kỉ X-XV đã đạt trình độ phát triển cao và toàn diện. Chịu ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài song vẫn mang đậm tính dân tộc. Nền văn hóa Đại Việt đó thường được gọi là văn hóa Thăng Long. Đúng như lời của Nguyễn Trãi: Duy ngã Đại Việt chi quốc Thực vi văn hiến chi bang (Nghĩa là: Nước Đại Việt ta thực sự là một nước văn hiến) ( Bình Ngô đại cáo)
Tài liệu đính kèm:
- bai_thuyet_trinh_lich_su_lop_10_bai_20_xay_dung_va_phat_trie.docx